Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

NGUYỄN DU KHÓC ĐỜI



Thưa các bạn!
Sắp tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại Thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015) và để giúp các bạn trẻ chuẩn bị thi môn Văn trong các dịp kết thúc năm học cũ; chúng tôi sưu tầm một số tư liệu và tự cảm về bài thơ “khóc đời” độc đáo của cụ Nguyễn Du.





讀 小 青 記
ĐỘC TIỂU THANH KÝ


西  湖   花    苑   賮    成    墟
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
獨     吊     窗     前  一   紙  書
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

脂   粉    有   神    憐 死  後 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
文     章       無    命   累   焚   餘
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư

古    今  恨   事  天    難    問
Cổ kim hận sự thiên nan vấn

風        韻  奇  冤   我 自 居
Phong vận kì oan ngã tự cư.

不    知  三  百    餘   年 後
Bất tri tam bách dư niên hậu

天        下  何   人   泣    素   如   
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Giải nghĩa:
Tây Hồ là một vùng danh lam thắng cảnh đẹp thuộc tỉnh Triết Giang Trung Quốc ở đó có nhiều vườn hoa đẹp (hoa uyển) nhưng đã bị biến đổi như thể gò hoang.( Tẫn – Đồ cống nạp quý báu nay thành Khư – rác rưởi nơi gò bãi hoang vu tàn lụi).
Một mình ngồi bên song cửa đọc mảnh giấy có bài thơ còn xót lại trong đống tro tàn.
Phấn sáp là vật vô tri nhưng dù có thổi hồn vào về sau cũng chết.

Văn chương không có mệnh số như con người dù có đốt cháy vẫn còn vương lại cùng thời gian.
Từ bao đời nay việc tủi hận hỏi trời cũng khó lý giải nổi.
Thói đời vận số kỳ lạ oan trái tự mình phải liệu lường thôi.
Không biết sau hơn ba trăm năm nữa.
Người trong thiên hạ có ai thương khóc Tố Như (Nguyễn Du).
 DỊCH THƠ
Tây hồ cảnh đẹp hóa thê lương.
Tưởng viếng người xưa… có tỏ tường?
Son phấn bẽ bàng thần chẳng mất.
Văn chương đốt dở mệnh còn vương.
Thói đời tủi hận trời khó hỏi.
Sự thế oan gia dạ tự lường.
Không biết ba trăm năm lẻ nữa.
Tố Như! Ai khóc, mấy người thương?

CHUYỂN SANG THƠ LỤC BÁT:

Tây hồ giờ hóa gò hoang
Bên cửa viếng nàng… giấy đốt dở dang
Phấn son thần sắc bẽ bàng
Văn chương đoản mệnh lại càng xót thương
Sao trời nỡ giáng tai ương
Tài hoa oan trái khó lường phân minh
Ba trăm năm lẻ sau mình
Còn ai vọng cảm vong hình Tố Như?

Sau đây là một số thông tin về bài thơ này tôi sưu tầm và chuyển tới các bạn để cùng suy ngẫm thêm.
Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh, nhiều ý kiến cho rằng nàng là người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền. Vốn thông minh nên từ nhỏ nàng đã thông hiểu các môn nghệ thuật cầm kì thi hoạ, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tính hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nhưng đau khổ muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần dư tập.
Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du.
          Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của bài thơ này. Theo chúng tôi bài thơ ra đời sau khi Nguyễn Du đọc tập Ký của văn học Trung Hoa viết về: “Phần dư tập” trong thời gian đi sứ lần thứ nhất, nhưng mãi đến khi ông qua đời (1820) người nhà mới tìm thấy và coi đó như lời trăng trối của ông để lại cho đời sau.      

Hai câu mở đầu bài thơ đã cho thấy  người viếng và người chết đều cô độc, cô đơn. Ý tứ đọng lại trong hai chữ độc điếu (獨吊) mà các bản dịch nghĩa của các dịch giả đều dịch là một mình (Trước song một mình viếng một tập giấy,Một mình ngồi trước cửa sổ viết một tờ thư viếng, Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ... (Chữ độc ở tên bài thơ có nghĩa là đọc, còn chữ độc này lại có nghĩa là một mình, cô đơn, cô độc, một chữ có tần số xuất hiện khá nhiều trong Đường thi). Nếu dịch độc là một mình e không ổn, vì một mình chưa chắc đã cô đơn, cô độc. Thật là cách mở đề kiểu khai môn kiến sơn. Bài thơ đã mở ra mênh mang tâm trạng.
Hai câu luận:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Đây có lẽ là một trong những câu thơ ám ảnh nhất trong những câu thơ của cụ Nguyễn Du.

Từ cuộc đời đau khổ hồng nhan đa truân, sắc tài mệnh yểu của Tiểu Thanh (1594-1612) sống vào triều đại Minh bên Trung Hoa, Nguyễn Du (1765-1820), với sức đồng cảm lạ thường của người có cặp mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời đã khái quát thành  một trong những qui luật của muôn đời.

Hận, oan vốn là những chữ, những khái niệm thường dùng trong văn chương thời cổ trung đại ở phương Đông. Cổ nhân dùng chúng để biểu hiện những cung bậc, những sắc thái khác nhau của nỗi buồn nhân thế, thời thế và thân thế. Đó cũng là những chữ mà người xưa dùng để thể hiện sự tự ý thức về bản ngã. Hận là nỗi đau đớn tột cùng không thể giải tỏa, không thể sẻ chia vì những giá trị, những năng lực, những tài năng, phẩm giá... của con người bị lãng quên, bị phí hoài, bị xỉ nhục và lăng mạ. Oan là sự tự ý thức của cổ nhân về các giá trị người bị chà đạp, bị kết tội một cách thậm vô cớ và vô lí. Trong thơ mình, Nguyễn Du chủ yếu thể hiện nỗi đau đứt ruột, xé lòng  trước những đau khổ bất hạnh về tâm và thân của những giai nhân tài tử rơi vào cảnh đời ngang trái , bởi tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê (Mộng Liên Đường chủ nhân),  Ai tri âm đó mặn mà với ai- Nỗi mình thêm tức nỗi nhà -Thân sao bướm chán ong chường bấy thân - Biết thân đến bước lạc loài... (Truyện Kiều).  
Nỗi đau, nỗi oan của con người, niềm uất hận của những bậc kì tài tuyệt sắc trong thiên hạ xưa đã có, nay cũng có và có lẽ không bao giờ hết được. Nỗi đau ấy, niềm uất hận ấy đến trời cũng không có lời giải đáp. Câu thơ là sự tổng kết, sự nghiệm sinh của thi nhân về chính mình và của biết bao kiếp tài hoa, biết bao kiếp người đau khổ trên cõi nhân gian bé tí này.  Tố Như cũng từng khóc Thánh thi Đỗ Phủ (712-770), người được ông tôn vinh là Thiên cổ văn chương thiên cổ sư với day dứt không nguôi: Phải chăng vì thơ hay mà đời khổ? - Phải chăng vì đời khổ mà thơ hay? Trở về với đất nước mình, Nguyễn Trãi chỉ vì Một niềm trung hiếu mà bị cái án oan thảm khốc tru di tam tộc, khiến người anh hùng phải di hận kỉ thiên niên.  Hai lần trong Truyện Kiều và trong Văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du đã cất lên Tiếng kêu đứt ruột mới:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Và:
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Mệnh đề tài mệnh tương đố không chỉ có ý nghĩa tiên nghiệm, tiền định, ở thời Nguyễn Du, mệnh đề này có một nội dung xã hội khá cụ thể. Đây là thời đại xuất hiện hàng loạt tài năng lớn về nhiều phương diện. Ông vua chuyên chế phong kiến phương Đông luôn cảnh giác trước tài năng, nhất là cái tài kinh bang tế thế. Người có tài có thể làm lu mờ đấng tối cao, thậm chí có thể cướp ngôi. Chế độ xã hội ấy chỉ chấp nhận người cúc cung tận tụy, thậm chí cuồng tín, ngu tín trước ông vua.  Thật là cười ra nước mắt. Cái tài nhiều khi bị đem ra mua vui cho thiên hạ, bị sỉ nhục, bị lăng mạ. Quả là: Có tài mà cậy chi tài - Chữ tài liền với chữ tai một vần. Thời ấy kẻ có tài năng thường thị tài, cậy tài, khoe tài mà quên mất câu nhắc nhở của cổ nhân: Thông minh thánh trí thì giữ mình bằng ngu độn, muốn giữ được đầy thì đổ bớt đi. Đã làm quan thì cái cười, cái nói, cái đi, cái đứng đều phải tính toán mà. Câu tổng kết dân gian: ngu si hưởng thái bình, ngẫm ra thấy quả có lí. Những kẻ chỉ luẩn quẩn trong  vòng mũ áo, trong cuộc tỉnh say dẫu có gặp cái cảnh thanh nhàn như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm cũng trơ trơ như cỏ cây, như cá chim, lại thường được sống trọn tuổi trời. Kì lạ thay, bất công, ngang trái và oan trái thay! Nhưng đó lại là một sự thực hiển nhiên.
Thế mới thấy tầm khái quát, thế mới thấy tình thương Nguyễn Du dành cho thân phận con người mênh mông nhường nào. Con người đặc biệt là người tài, người đẹp chính là sự kết tinh những phẩm giá người cao nhất, lại thường đau khổ. Mang cái tài cái đẹp chính là mang cái mầm mống của khổ đau, mang cái bản án của định mệnh phũ phàng nghiệt ngã... Ngay từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Du đã chỉ ra sự bất công của Tạo hoá, sự đành hanh của máy trời. Thương người như thể thương thân, thương thân như thương người, phải chăng đó là Nguyễn Du? Ông đã nhìn ra trong nỗi đau của đồng loại nỗi đau của chính mình, và trong nỗi đau của chính mình, ông thấy được nỗi đau của đồng loại. Giọt nước mắt khóc nàng Tiểu Thanh trở thành lời ai điếu cho mọi kiếp tài hoa bạc mệnh, trở thành giọt nước mắt khóc chính mình. Vì sao sắc tài thường khổ? Vì sao thân phận con người lắm những nỗi đau?  Câu hỏi ấy vẫn treo lơ lửng giữa trời xanh. Bao giờ và ai là người giải đáp hữu hiệu?
 Với Nguyễn Du, những bậc kì tài tuyệt sắc luôn luôn phải chịu cái gọi là cổ kim hận sự, phong vận kì oan mà ông không tìm thấy lời giải đáp hữu hiệu trong triết lí thiên mệnh của Nho giáo, duyên nghiệp quả báo của Phật giáo, tướng số của Đạo giáo  triết lí ở hiền gặp lành trong dân gian... Dường như, nhà thơ của chúng ta đã linh cảm được giải tần mờ của cuộc đời đầy bí ẩn. 

Về hai câu thơ kết: Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Không biết sau ba trăm năm lẻ nữa – Thiên hạ có một ai đó khóc thầm tố Như): Trước hết nói về hai chữ độc điếu. Nó không chỉ hiển hiện thành câu chữ ở cặp câu đề, nó thấp thoáng ẩn hiện trong cặp câu thực (Chi phấn hữu thần liên tử hậu, Văn chương vô mệnh lụy phần dư), nó âm vang trong cặp câu luận và đến đây nó lại thấp thoáng hiện ra trong cặp câu kết ở khát khao, ở băn khoăn day dứt không biết sau ba trăm năm lẻ có một ai đó dưới gầm trời này khóc thầm (khấp (泣) chứ không phải khốc) mình, Tố Như chỉ cần một ai đó (hà nhân (何人) chứ không phải là số đông, rất nhiều người. Hai chữ độc điếuchính là nhãn tự, huyệt đạo của thi phẩm này vậy . Phải chăng đó là hai chữ thể hiện được tâm sự về nhân thế, thời thế, thân thế của Tố Như tử? Ta cứ tự cho mình là người hiểu Nguyễn Du, kì thực chưa hẳn thế (Không ngẫu nhiên chút nào khi trong Truyện Kiều lại có những câu: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh - Giật mình mình lại thương mình xót xa, Vui là vui gượng kẻo là – Ai tri âm đó mặn mà với ai? Chọn người tri kỉ một ngày được chăng? Cười rằng: Tri kỉ trước sau mấy người?”. Ta hiểu vì sao người xưa có thể chết vì tri kỉ tri âm).Thứ đến là ý kiến cho rằng đây là câu thơ thất niêm. Quả đúng thế. Người phát hiện ra điều này, rõ ràng rất giỏi về phép tắc làm thơ cách luật. Tuy vậy, lại cũng nên biết rằng: bài Hoàng Hạc Lâu một bài thất ngôn bát cú được coi là một trong 10 bài thơ hay nhất của thơ Đường, (tuy Thôi Hiệu không phải là  một trong những gương mặt sáng giá nhất của Đường thi), thì câu thơ thứ tư: Bạch vân thiên tải không du du (Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi)… cũng là câu thơ phạm luật. Điều này cho thấy tài năng, thiên tài có khi tuân thủ qui củ chung, nhưng cũng có khi vượt qua qui củ, họ tạo nên những phép tắc và luật lệ mới. Tiếp theo là thời điểm ba trăm năm lẻ... Một thời gian dài người ta cho rằng đó là khoảng thời gian từ khi Tiểu Thanh mất đến khi Nguyễn Du viết bài thơ này. Nhưng căn cứ vào tiểu sử của nàng do một số ghi chép của  văn nhân nước Tàu, thì tính cách nào cũng không đủ ba trăm năm lẻ (1820 -1595 = 225  hoặc lên đến 360 năm, thậm chí là 400, hay 407, 408 năm , và để tránh sự võ đoán khiên cưỡng trước đây, hiện sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập I cho rằng: Có lẽ là một con số ước lệ chỉ khoảng thời gian dài . Có người lại cho 300 năm là thời gian luân hồi ba kiếp của một con người theo quan niệm của Phật giáo , nhưng ở đây là tam bách dư niên (ba trăm năm lẻ) khác với tam bách niên. Quả đúng là con số ước lệ, nhưng tại sao lại ước lệ là ba trăm năm lẻ chứ không phải là trăm năm, bốn, hay năm trăm năm, thậm chí ngàn năm? vì chúng là những con số ước lệ thường thấy người xưa dùng trong thơ văn của họ (Ư bách niên trung tu hữu ngã – Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy (Trong khoảng trăm năm này phải có ta – Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có ai? –Xuất dương lưu biệt, Phan Bội Châu).Vậy nên lí giải thế nào? Có lẽ là thế này chăng? Theo quan niệm của người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử, những bậc thánh nhân trong lịch sử phải năm trăm năm mới xuất hiện một lần, khi thánh nhân ra đời có điềm lành chỉ báo, đó là phượng hoàng kì lân hiện ra. Nguyễn Du rất chân thực, trung thực với mình và với tha nhân. Ông tự nhận mình không phải là thánh nhân, cũng không phải thường nhân, ông tự thấy mình thuộc lớp tài tử tri âm với giai nhân Tiểu Thanh. Phải chăng tài tử giai nhân khoảng ba trăm năm lẻ là chu kì để họ hội ngộ, tái xuất? Thời điểm ấy chưa tới, hãy chờ đợi. Lúc ấy, người ta giải mã Nguyễn Du chắc gì giống với chúng ta ngày nay?
Lập Hạ Giáp Ngọ (2014)
CHIẾN SĨ - NGHỆ SĨ: NGÔ TOÀN THẮNG
sưu tầm chỉnh lý và giới thiệu

5 nhận xét:

  1. Em gái BD tem vàng (~_~)

    http://files.myopera.com/CindyJAM/blog/catt.gif

    Trả lờiXóa
  2. Anh trai con bầm thật tài, sưu tầm toàn tư liệu lịch sử quý giá vô cùng
    Chúc anh trai vui khỏe an lành cùng đất tổ anh trai nhé !

    [img] http://lh4.ggpht.com/_vg1TpBtQeAQ/SmQ8jV9Oc_I/AAAAAAAAAoE/BpyQYhq1ffA/2iepd664.gif[/img]
    [img] http://www.oyegraphics.com/o/good_morning/good_morning_127.gif[/img]

    Trả lờiXóa
  3. Ông anh cả vào tận Huế thương ộp em mà sao anh trai Toàn Thắng và con bầm ko đi? Lạ Nhẩy (~_~)

    [img]http://1.bp.blogspot.com/-gkYXbcamGSQ/U5VyPowq3RI/AAAAAAAAQbQ/mhWyEDqFmNk/s640/DSC_0015.JPG[/img]

    Trả lờiXóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

TUYET ROI HET TUYET ROI